Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao có những người rất dễ đạt được thành công, còn một số người dù có cố gắng thế nào cũng không thành công được? Điều đó không hẳn chỉ dựa vào may mắn hay cơ hội ngẫu nhiên đâu, mà là do cách họ phấn đấu và những tính cách đặc trưng của họ. Bài viết này sẽ chỉ cho bạn một số điều khác nhau giữa người thành công và người không thành công được nhé. Hi vọng đọc xong bài này, bạn sẽ học được cách thay đổi và đạt được những thành công hay mục tiêu riêng của mình!
1. Read everyday or Watch TV everyday? (Đọc sách mỗi ngày hay Xem TV mỗi ngày?)
Người thành công thường đọc rất nhiều sách trong thời gian rảnh của họ, trong khi những người khác thư giãn, nằm dài trước chiếc TV hay say sưa bên màn hình điện thoại.
Muc tiêu (goals) của người thành công là không ngừng trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm (gain experience) và tự tạo ra cơ hội (create opportunities) của mình thay vì ngồi chờ cơ hội đến. Bạn có biết cơ hội là 90% do chúng ta tạo ra không? Để chuẩn bị và thực hiện được việc đó, hãy dành thời gian nâng cao kiến thức (enhance one's knowledge) và bổ trợ các kỹ năng (improve one's skills) của bạn.
Hình thức đọc sách vừa có thể là một thú vui hay sở thích, vừa là một hành trang tuyệt vời cho bạn. Không chỉ cung cấp một lượng kiến thức vô tân, sách còn giúp bạn cải thiện kỹ năng đọc hiểu, tư duy và diễn đạt tốt hơn (better expression) bằng câu từ. Không phải tự nhiên mà người ta thường khuyên là muốn viết hay nói tốt thì bạn phải đọc nhiều đâu.
Dành thời gian đọc một quyển sách kỹ năng hay một tiểu thuyết tiếng Anh để nâng cao từ vựng không phải sẽ tốt hơn là xem một chương trình hẹn hò sao?
Cuối cùng thì, những người vừa có tri thức vừa có kỹ năng sẽ nhanh chóng thành công hơn trong cuộc sống.
2. Compliment or Criticize? (Khen ngợi hay Phê bình?)
Để thành công, bạn hãy tập nhận ra và công nhận thành công của người khác trước. Thành quả tốt đẹp của một người thân hay bạn bè luôn đáng nhận được những lời khen ngợi, động viên (encouragement).
Nếu không học cách khen ngợi, bạn sẽ không nhận ra được đâu là điểm tốt, điểm mạnh (strengths) của từng người, không học được cách khích lệ người khác. Hãy tưởng tượng một người sếp thành công nhưng không bao giờ mở miệng khen hay nói tốt về nhân viên của mình thì có phải quá đáng buồn không?
Đồng thời, hãy bớt chỉ trích người khác lại. Nếu họ làm sai, hãy góp ý thẳng thắn (frankly, honestly) và cố gắng khích lệ vì những phần họ đã làm đúng hay nhắc lại những thành quả (results) họ đã từng đạt được thay vì buông lời nặng nề với người khác. Làm người khác cảm thấy tệ hơn không có ích gì cho bạn, mà còn biến bạn thành một người nhỏ nhen, ích kỷ (selfish) trong mắt người khác, khiến các mối quan hệ của bạn không được tốt đẹp.
Nếu bạn là giáo viên, đừng ngần ngại khích lệ các học sinh của mình khi chúng làm tốt. Nếu bạn của bạn đang ôn luyện để tham dự một kỳ thi tiếng Anh, hãy cổ vũ và ca ngợi tinh thần của họ.
Tuy nhiên, cũng đừng sa vào thói quen quá tốt với mọi người mà không phân biệt rõ được điều nào cần bị chỉ trích và điều nào đáng được khen ngợi nhé.
3. Embrace change or Fear change? (Tận hưởng sự thay đổi hay Sợ thay đổi?)
Nhiều người rất sợ những thay đổi hay xáo trộn trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyển nhà, chuyển việc hay nhảy sang một lĩnh vực khác. Người thành công sẽ là những người biết nắm bắt các sự thay đổi này để học hỏi từ chúng.
Để thích nghi (adapt) được với thay đổi là một điều không hề dễ dàng, do vậy mà khi đã làm được điều này thì bạn có thể đạt được rất nhiều lợi ích (benefits, advantages). Ví dụ như khả năng thích nghi, sự kiên trì (patience), khám phá ra những điểm mạnh điểm yếu (weaknesses) của bản thân, trở nên tài giỏi hơn.
Còn những người luôn sợ sệt trước thay đổi, thách thức (challenges, obstacles) thì sẽ mãi dặm chân tại chỗ vì họ chẳng học được gì mới cả. Đồng thời, sẽ thật buồn chán nếu suốt cuộc đời bạn chưa bao giờ dám nhảy việc hay thử một việc bạn từng không bao giờ dám làm.
4. Forgive others or Hold a grude? (Tha thứ cho người khác hay Giữ thù trong lòng?)
Một người thành công trong công việc cũng nên là một người thành công trong cuộc sống. Hãy biết trân trọng người khác (aprreciate, cherish others) và tha thứ cho họ, tương tự như cách bạn phân biệt giữa khen thưởng và phê bình.
Ai mà chẳng mắc sai lầm (mistakes) trong công việc hay cuộc sống? Nếu một người gây nên lỗi lầm với bạn, việc bạn thù hằn và tìm cách trả thù họ khiến bạn trở thành một kẻ tệ hại. Nếu là những điều không đáng, hãy bỏ qua đi (let it go). Càng giữ nhiều hận thù thì bạn không bao giờ thành công được. Hãy dành thời gian lo nghĩ về thành công và các mối quan hệ thay vì ôm một mối hận (hold a grudge) không có ích lợi gì cho cả bạn lẫn người kia.
Nếu đối thủ của bạn cố tình hại (harm) bạn thì sao? Trong tiếng Anh có một câu rất hay đó là "kill them with kindness". Nếu bạn chơi xấu họ lại thì chứng tỏ bạn cũng là một kẻ xấu ngang tầm với kẻ kia, trong khi bạn có thể sống tốt với bản thân mình hơn bằng cách bỏ qua, tha thứ và tin rằng mọi chuyện đều có luật nhân quả (what goes around comes around).
5. Talk about ideas or Talk about others? (Bàn về những ý tưởng hay Bàn về những người khác?)
Người ta rất thích bàn tán về người khác, và đó là một sự thật đáng buồn.
Dù bạn ở đâu, bạn cũng dễ dàng tìm thấy những nhóm người ngồi buôn lê, tán dóc (chat, gossip) vời đời tư (private life) hay công việc của người khác, đôi khi là tốt, đôi khi là phiến diện (one-sided). Thay vì làm vậy, hãy bàn về những ý tưởng tốt đẹp hơn.
Hãy tập thay đổi những cuộc trò chuyện sáo rỗng, nói xấu người khác thành những cuộc trò chuyện thật sự. Hãy nói chuyện để hiểu nhau, bày tỏ quan điểm và sáng kiến chứ không phải để tranh luận về người khác.
Người thành công chắc chắn sẽ là những người tập trung vào ý tưởng (focus on ideas) và bản thân mình thay vì so sánh mình với người khác hay bàn tán về họ.
6.Continuously learn or Think that we know it all? (Không ngừng học hỏi hay Nghĩ rằng chúng ta biết tất cả?)
Một người thành công là một người luôn cố gắng học hỏi, dù họ chưa biết gì hay dù họ đã có một lượng kiến thức nhất định.
Nếu chưa biết gì, việc học thêm đương nhiên là cần thiết. Tuy nhiên, dù đã có kiến thức về một lĩnh vực, người thành công vẫn sẽ muốn học hỏi thêm để mở rộng (extend) và nâng cao hiểu biết, kỹ năng của mình thay vì xua tay "Thôi, tôi đã biết cái này rồi". Đồng thời, họ sẽ không ngại trao đổi, tranh luận (argue, debate) với mọi người về những gì họ biết và qua đó, tiếp thu những cái mới hay học từ những quan điểm (viewpoints) hay khác.
Ngay cả khi thất bại, họ cũng sẽ là những người biết rút ra được bài học cho mình thay cho việc ngồi buồn rầu và than trách (complain). Mọi thất bại đều có những nguyên do nhất định, nếu bạn không học từ chúng thì bạn sẽ không phát triển (grow) được.
"Học - Học nữa - Học mãi" là một câu nói không thể phù hợp hơn trong trường hợp này. Kiến thức tích lũy, kỹ năng và kinh nghiệm càng nhiều thì người ta càng dễ thành công.
Đừng có thói quen suy nghĩ theo kiểu tôi đã biết rồi hoặc tôi đã làm qua rồi nên từ chối học hỏi thêm. Đó là suy nghĩ của những kẻ lười biếng và ngạo mạn (arrogant). Nếu tiếp tục, đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng đáng lẽ mình nên học hỏi càng nhiều càng tốt hay tự hỏi tại sao mình làm việc bấy lâu mà vẫn không khá lên được. Đặc biệt là khi đối diện với những người thành công và tài giỏi hơn bạn, bạn sẽ cảm thấy tự ti (inferior) và xấu hổ (ashamed) hơn. Không phải vì bạn yếu kém hơn họ, mà vì ngay từ đầu bạn đã nói không với việc trau dồi.
7. Accept responsibility for their failures or Blame others for their failure? (Nhận trách nhiệm cho thất bại của mình hay Đổ lỗi người khác cho thất bại của mình?)
Khi làm việc, sẽ khó tránh khỏi những lỗi lầm hay thất bại (failure). Ngoài việc học hỏi từ nó, một điều mà chỉ những ai dám làm và làm tốt mới có thể hoàn thiện bản thân, đó là nhận trách nhiệm cho sai lầm của mình.
Bạn làm công việc đó, dù là cá nhân (individual) hay trong nhóm và bạn làm sai, đương nhiên là bạn phải chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm ở đây không chỉ đủ là đủ can đảm (courage) lên tiếng thừa nhận, mà là có đề xuất (suggestions) và biện pháp (solutions), thậm chí là dám nhận hậu quả (consequences). Sau đó, từ sai lầm đó mà bạn rút ra bài học cho mình và biết những gì cần cải thiện. Không chỉ giúp bạn thăng tiến (ascend) hơn trong công việc, đặc điểm này còn giúp bạn sống có trách nhiệm hơn.
Còn những người không thành công thường làm gì? Họ tìm lý do bao biện (make excuses) hoặc đổ lỗi của mình ít nhiều cho người khác vì sợ bị phê bình và phải gánh trách nhiệm. Nếu thật sự là do bạn sai, tại sao phải đổ thừa cho người khác? Việc làm này không chỉ chứng tỏ bạn là một người hèn nhát (coward), trốn chạy trách nhiệm và từ chối học hỏi từ lỗi lầm mà còn khiến bạn trở nên xấu hơn trong mắt những người xung quanh.
8. Have a sense of gratitude or Have a sense of entitlement? (Mang thái độ biết ơn hay Mang thái độ xem trọng quyền lợi?)
Dù là làm việc ở đâu, với cấp bậc (rank) và vị trí (position, title) nào, bạn cũng cần thiết có một thái độ (attitude) đúng đắn, đặc biệt là thái độ biết ơn.
Nếu được giúp đỡ, đương nhiên là bạn nên biết ơn những người giúp đỡ mình và sẵn sàng giúp đỡ lại họ khi họ cần. Thái độ biết ơn cũng giúp bạn cư xử tốt hơn với mọi người (treat people better).
Trong một môi trường có nhiều điều bạn chưa nắm rõ, sự giúp đỡ hay hướng dẫn (instruction) của người khác là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là việc bạn có thái độ đúng đắn với những người bạn, những người đồng nghiệp (colleagues) hay thậm chí là sếp (boss, manager) của mình. Sự biết ơn giúp tạo dựng nên các mối quan hệ tốt hơn. Đồng thời, những người có thái độ biết ơn cũng là những người biết khiêm tốn (humble), sống có lý lẽ (reasonable) và xem trọng người khác. Đây là những tính cách dễ tìm thấy khi miêu tả một người thành công.
Xem trọng quyền lợi, mặt khác, lại là một thứ gì đó tiêu cực (negative). Bạn có xu hướng ỷ lại vào người khác (rely on others) và xem những sự giúp đỡ đối với mình là điều hiển nhiên, bạn xứng đáng nhận được chúng. Sau cùng là bạn không có hoặc thể hiện rất ít sự biết ơn với người khác. Điều này có thể xuất phát từ cấp bậc cao của bạn hay do sự mặc định người ta muốn giúp mình là do tự nguyện (voluntarily), mình không cần phải có suy nghĩ biết ơn. Không chỉ bị gán mác "vô ơn" (ungrateful) mà bạn cũng sẽ nhanh chóng bị xa lánh và không nhận được sự giúp đỡ nữa hoặc chúng chỉ là miễn cưỡng (reluctantly).
Nếu không biết biết ơn, bạn sẽ không bao giờ leo cao lên bậc thang thành công được, vì lúc nào bạn cũng nghĩ mình xứng đáng và coi mọi thứ là lẽ thường tình.
9. Set goals and develop life plans or Never set goals? (Đặt ra mục tiêu và những kế hoạch cho cuộc sống hay Chẳng bao giờ đặt mục tiêu?)
Một điểm khác biệt lớn và rõ rệt nhất giữa người thành công và người không thành công chính là khả năng đặt mục tiêu.
Người thành công luôn biết xác định các mục tiêu và nhiệm vụ (mission) của mình. Từ đó, họ tạo dựng nên các kế hoạch ngắn hạn (short-term) và dài hạn (long-term), chia nhỏ mục tiêu và phấn đấu (make effort) để đạt được chúng một cách dễ dàng. Việc đặt mục tiêu còn giúp họ xác định đúng phương hướng (direction) và nhiệm vụ, là những điều kiện nền tảng làm nên thành công.
Cuộc sống họ đôi khi cũng cần có các kế hoạch lâu dài để đảm bảo mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát (under control). Ngoài công việc, đó có thể là những kế hoạch hôn nhân (marriage), kế hoạch cho gia đình (family), kế hoạch du lịch (travelling), kế hoạch từ thiện (charity)...
Riêng những người lười biếng thường sẽ không đặt mục tiêu mà nôn nóng (impatient, impulsive) nhảy vào làm ngay. Chính sự nóng vội và không có kế hoạch rõ ràng này thường dễ gây ra những vấn đề nghiêm trọng (serious problems) hay đi lạc mục tiêu thật sự của việc họ làm. Không chỉ sai phương hướng, họ còn dễ thất bại hơn bao giờ hết.
Vì vậy nên, dù một công việc hay việc làm có đơn giản thế nào, bạn cũng nên dành thời gian ngồi xuống, đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch nếu muốn nó được hoàn thành thật tốt.
Lời kết
Qua đây là một vài đặc điểm của những người thành công cũng như một vài lời khuyên dành cho chúng ta. Hi vọng bạn sẽ học hỏi được và áp dụng nó vào công việc vả cuộc sống để ngày một thành công hơn nhé.