"Làm thế nào để giao tiếp trôi chảy, tự nhiên như người bản xứ?" có lẽ là câu hỏi lớn nhất của chúng ta khi học tiếng Anh. Liệu các yếu tố học thuật như biết nhiều từ vựng, phát âm tốt, ngữ pháp vững hay các yếu tố khác như tự tin, thích phát biểu ý kiến, thân thiện... đã đủ để quyết định một người sử dụng tiếng Anh có tự nhiên chưa? Điều đó còn phụ thuộc vào sự nhuẫn nhuyễn trong cách bạn sử dụng từ khi giao tiếp. Một số người nói tiếng Anh chưa hẳn là chuẩn, nhưng ta có thể thấy cách nói chuyện và phong thái của họ không khác gì người bản xử, dùng từ ngữ lại vô cùng tự nhiên. Lý do có thể là do họ tiếp xúc với tiếng Anh bằng nhiều hình thức khác chứ không chỉ qua các yếu tố sách vở hay học thuật. Do đó, họ biết nhiều cụm từ (phrasal verbs), idioms (thành ngữ), slang (tiếng lóng)... những thứ mà người nước ngoài sử dụng rất thuần thục và nhiều như cơm bữa. Vậy hôm nay hãy thử cùng Tiếng Anh Mỗi Ngày học qua một số câu nói rất thông dụng để từng bước nói tiếng Anh tự nhiên hơn nhé

  

1. Keep up the good work (Tiếp tục phát huy nhé)

Đây là một lời khen để động viên ai đó khi họ vừa hoàn thành tốt việc gì đó. Thay vì nói "Good job" or "You did great" thì ta có thể sử dụng câu này để thay thế.

The report you sent me was excellent. Keep up the good work and you'll soon be promoted (Bản báo cáo anh gửi tôi rất xuất sắc. Cứ tiếp tục phát huy và anh sẽ sớm được thăng chức thôi)

2. Make yourself at home (Bạn cứ tự nhiên)

Đây là một câu nói thể hiện sự lịch sự, hiếu khách của chủ nhà khi có người đến thăm. Chủ nhà mong muốn khách cảm thấy thoải mái như đang ở chính nhà của họ vậy, cho nên nghĩa đen của câu này "Bạn cứ tự nhiên như ở nhà bạn đi." Ví dụ:
Hi, long time no see

So good to see you! Come in, make youself at home!

3. Knock yourself out (Cứ tự nhiên, cứ làm đi) = Go for it

Khi ai đó hỏi xin một vấn đề gì đó mà bạn không mấy quan tâm hay hứng thú, bạn có thể trả lời bằng câu này. Ví dụ:

Can I have that last piece of cake? (Tôi có thể ăn miếng bánh cuối cùng đó được không?)

Sure, knock yourself out (Được chứ, cứ tự nhiên)

4. No hard feelings/No offense (Không giận hờn nhau chứ/Không có ý xúc phạm đâu)

Đây là hai câu nói được sử dụng khá nhiều khi người ta đùa giỡn với nhau. Chẳng hạn, bạn lấy hình dìm của bạn mình ra trêu xong và nói "No hard feelings" (Không giận hờn nhé). Câu này giống như một lời dặn trước là đừng giận tôi nhé hay đừng trả đũa tôi nhé, nếu có giận thì hãy hiểu là tôi chỉ giỡn thôi. Hay khi bạn nói bạn mình không hát hay bằng chị mình thì bạn có thể nói với bạn mình "No offense" (Không có ý xúc phạm nhé) - tức là đơn giản bạn chỉ nghĩ chị mình hát hay hơn chứ không chê bạn mình hát dở hay có ý xúc phạm giọng hát của bạn mình.

5. It's a piece of cake/Piece of cake (Dễ như ăn bánh)

Câu nói này được dùng khi bạn đánh giá một việc gì đó là quá đơn giản với bạn. Ví dụ:

Can you lift that statue up? (Bạn có thể nâng bức tượng đó lên không?)

Piece of cake (Dễ ẹc)

6. You see/You know (Bạn thấy đó/Bạn biết đó)

Hai câu này thường được dùng trước khi bắt đầu một câu nói nào đó và bạn có thể cũng nghe rất nhiều trong các bộ phim hay chương trình tiếng Anh. Ý nghĩa của nó thỉnh thoảng là để báo cho người nghe biết mình sắp nói về một tình huống hoặc một ý tưởng nào đó. Tuy nhiên, đa số mọi người thường dùng hai câu này như một câu cửa miệng do thói quen. Ví dụ:

You see, my father was sick, so he went to the hospital (Bạn thấy đó, ba tôi bị bệnh, nên ông ấy đã nhập viện)

You know, I have just the thing to do that task (Bạn biết không, tôi có đúng thứ cần để hoàn thành công việc đó)

7. Look up to (ngưỡng mộ, noi gương ai đó)

Khi bạn muốn thể hiện ý ngưỡng mộ hoặc xem ai đó là tấm gương để noi theo, bạn có thể dùng cụm từ này thay vì nói "I admire..." Ví dụ:
I always look up to my mother because she is amazing (Tôi luôn noi theo gương mẹ tôi vì bà ấy rất tuyệt vời)

8. Drop by (ghé qua)

Thay vì nói "I will come to your house" nghe có vẻ khá cơ bản quá, bạn nên dùng là "I will drop by your house". Ví dụ:
We'll have a party tonight. You should drop by! (Tối nay chúng tôi có tổ chức tiệc. Bạn nên ghé qua!)

9. Find out/Figure out (Phát hiện, hiểu ra được)

Khi muốn diễn đạt ý "Tôi đã hiểu lý do" hoặc "Tôi đã phát hiện ra tại sao...", bạn hãy dùng cụm từ này nhé. Ví dụ:

I found out that she was a spy (Tôi phát hiện ra cô ta là gián điệp)

I finally figured out the real problem (Cuối cùng tôi cũng hiểu được vấn đề thật sự)

10. It takes guts to... (Phải can đảm lắm mới dám làm...)

Nếu nói về sự dũng cảm, can đảm thì có phải bạn sẽ sử dụng "brave" hay "courageous". Có một cách hay hơn là sử dụng hẳn một cấu trúc câu luôn nhé. Ví dụ:

It takes guts to do that in front of a crowd (Phải can đảm lắm mới dám làm như thế trước một đám đông)

11. I really appreciate it (Tôi rất cảm kích về điều này)

Khi muốn bày tỏ sự biết ơn hay cảm ơn đến ai đó, bạn có thể dùng câu này thay vì chỉ sử dụng "Thank you" hay thêm vào sau vế "Thank you" để diễn đạt sự nhấn mạnh. "appreciate" mang nghĩa là cảm kích, trân trọng điều mà người nghe đã làm giúp bạn, ý nghĩa cũng có phần trang trọng hơn. Ví dụ:

Thanks a lot for helping my sister. I really appreciate it (Cảm ơn bạn vì đã giúp đỡ em gái tôi. Tôi rất cảm kích về điều này)

12. For instance (Ví dụ như)

Có phải trong quá trình tiếp xúc với tiếng Anh, một trong những cụm từ bạn nghe nhiều nhất có phải là "for example"? Mỗi khi học một từ hay cấu trúc mới là "for example" (hay "e.g.") lại xuất hiện để cho bạn biết ngữ cảnh sử dụng cũng như giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi giao tiếp hoặc thuyết trình, hãy cố gắng sử dụng các từ khác để tránh cảm giác nhàm chán, lặp đi lặp lại và tạo cảm giác chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh "for instance", ta cũng có thể sử dụng các từ, cụm từ để nêu ví dụ như: "in particular", "as an example being", "if you look at", "to illustrate this", "this can be seen when"... Còn rất nhiều cụm từ nữa mà bạn có thể tìm hiểu nhưng hãy học từ những cụm đơn giản nhất nhé. Ví dụ:

Mobile devices are becoming less expensive. Sophisticated smartphones, for instance, can now be purchased for less than $100 (Các thiết bị di động đang ngày một trở nên rẻ hơn. Những chiếc điện thoại thông minh tinh xảo hơn, chẳng hạn, giờ đây có thể được mua với giá rẻ hơn 100 đôla)

Dogs are our best friends. To illustrare this, I want to tell you a story (Chó là những người bạn thân nhất của húng ta. Để minh họa cho ý này, tôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện)

13. Take one's word for it (Tin tưởng ai đó đi)

Cụm này thường diễn đạt nghĩa "tin tôi đi, tôi đang nói sự thật", hoặc khi bạn tin tưởng vào lời nói của ai đó Ví dụ:

He said there was money in the bag and I took his word for it (Anh ấy đẵ nói rằng có tiền trong bao và tôi tin anh ấy)

14. Out of the blue (Bất ngờ, đột ngột)

Khi ta nói một điều gì đó xảy ra "out of the blue" tức là điều này xảy ra rất bất ngờ, không ai lường trước được (giống như "suddenly, all of a sudden"). Ví dụ:

Her decision came out of the blue (Quyết định của cô ấy được đưa ra thật đột ngột)

Out of the blue, a dog appeared (Đột nhiên, có một con chó xuất hiện)

15. I'm starving (Tôi đói lắm rồi)

Câu này chắc sẽ rất phù hợp với những bạn sành ăn sành uống đây. Thay vì nói "I'm hungry", bạn có thể nói "I'm starving!" để nhấn mạnh cảm giác đói và muốn nhanh chóng đi ăn. Đa số người Việt chỉ biết từ "hungry" để dùng khi đói thôi, từ giờ hãy thử tập dùng "starving" nhé. Ví dụ:

I'm starving! Let's go to that new restaurant! (Tôi đói lắm rồi! Hay là mình đi đến nhà hàng mới mở đi!)

16. I'm stuffed (Tôi no lắm rồi)

Lại một từ nữa cho các bạn thích ăn uống nha. Từ thông thường khi nói đến cảm giác no là "full", nhưng khi bạn dùng "stuffed" tức là bạn đã quá no và thỏa mãn rồi, không thể ăn thêm được nữa. Ví dụ:

I can't eat anymore! I'm stuffed! (Tôi không thể ăn thêm nữa đâu! Tôi no lắm rồi!)

17. You can say that again/ There's no doubt about it/ Tell me about it/ I'm on the same page with you/ Same! (Tôi cũng đồng ý)

Đây là các mẫu câu mà có thể bạn đã nghe đến rồi nhưng không đủ quen thuộc để sử dụng. Chúng được dùng khi bạn đồng ý hay có cùng quan điểm với người khác. Hãy hạn chế những kiểu như "I agree with you" và "I think so too" đi nhé. Ví dụ:

- I think the game is rigged (Tôi nghĩ trò chơi đã bị dàn xếp)

- You can say that again! (Tôi cũng nghĩ vậy!)

18. Best of luck/ Fingers crossed/ You were made for this/ Break a leg! (Chúc may mắn)

Thay vì nói "Good luck!" thì thỉnh thoảng ta có thể đổi thành "Best of luck!" hoặc "Fingers crossed!" khi muốn chúc ai đó may mắn. "You were made for it" ngoài nghĩa may mắn còn mang nghĩa khích lệ rất lớn (là bạn được sinh ra để làm điều này). Riêng "break a leg" thường dùng để chúc may mắn cho những người sắp lên sân khấu. Ví dụ:

It's your turn to perform! Break a leg! (Đến lượt bạn trình diễn rồi! Chúc may mắn!)

19. I'm sold = I'm convinced (Tôi hoàn toàn bị thuyết phục)

Khi tranh luận mà bạn là người bị thuyết phục hoặc khi bạn muốn thể hiện ý "quan điểm đó giờ lại nghe rất có lý", bạn có thể dùng câu "I'm sold". Ví dụ:

You made a very good point. I'm sold (Quan điểm của bạn rất chặt chẽ. Bạn thuyết phục được tôi rồi)

20. I have the time of my life (Tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt, đáng nhớ)

Những lúc muốn nói về cảm giác khi vừa trải qua một bữa tiệc hay một cuộc vui vô cùng đáng nhớ, bạn sẽ diễn đạt thế nào? "I feel great!", "I feel happy", "It was fun"... Lần tiếp theo hãy thử dùng "I had the time of my life!" (Tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt) nhé. Ví dụ

- I heard you went to Jenny's party last night. How was it? (Tôi nghe nói tối qua bạn đến dự tiệc của Jenny. Bữa tiệc thế nào?

- It was one of the best parties! I had the time of my life! (Đó là một trong những bữa tiệc tuyệt vời nhất! Tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt!)